Tiêu dùng trong nước cải thiện rõ nét trong tháng 4
TÓM TẮT
- Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tháng 4, động lực đến từ lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và doanh số bán lẻ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ hơn.
- Hiện thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến các cuộc đàm phán thương mại, với vòng đàm phán đầu tiên của Việt Nam dự kiến bắt đầu vào ngày 7/5. Đây là yếu tố có thể định hình triển vọng thương mại của Việt Nam trong những tháng tới.
- Chỉ số VN-Index suy giảm động lực và giảm 6,2% trong tháng 4, đưa mức tăng từ đầu năm chuyển sang giảm 3,2%. Thị trường biến động mạnh sau thông tin về các biện pháp thuế đối ứng được công bố ngày 2/4
Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tháng 4, động lực đến từ lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và doanh số bán lẻ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% svck trong tháng 4 và tăng 8,4% svck trong 4T2025, cao hơn mức tăng 6,3% svck trong 4T2024. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực chính cho tăng trưởng, với sản lượng tăng 10,1% svck trong 4T2025, so với mức tăng 9,5% trong Q1/2025. Xuất khẩu tăng tốc đáng kể nhờ các đơn hàng được đẩy sớm lên trước khi thuế đối ứng cuối cùng được công bố. Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 21% và 23% svck, đưa cán cân thương mại đạt 3,8 tỷ USD trong 4T2025. Hiện thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến các cuộc đàm phán thương mại, với vòng đàm phán đầu tiên của Việt Nam dự kiến bắt đầu vào ngày 7/5. Đây là yếu tố có thể định hình triển vọng thương mại của Việt Nam trong những tháng tới. Ngược lại, chỉ số PMI đã giảm trở lại dưới ngưỡng 50 trong tháng 4, xuống còn 45,6, đây là mức giảm đáng kể. Các đơn hàng mới trong lĩnh vực sản xuất giảm mạnh, đảo chiều so với đà mở rộng ghi nhận trong tháng 3. Chúng tôi cho rằng điểm khác biệt chính nằm ở việc PMI chỉ phản ánh thay đổi theo tháng và có mẫu số liệu nhỏ hơn Cục thống kê.
Tiêu dùng nội địa đang cải thiện mạnh mẽ hơn, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,1% svck trong tháng 4, tương đương mức tăng 9,9% trong 4T2025. Tiêu dùng thực tế (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 7,7% trong 4 tháng đầu năm, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước đang phục hồi rõ rệt hơn. Các số liệu này cũng có thể cho thấy giai đoạn "phục hồi luân phiên" đã kết thúc, khi đà tăng trưởng tiêu dùng bắt đầu tiệm cận tốc độ phục hồi của sản xuất công nghiệp. Trong 4T2025, doanh thu từ du lịch tăng mạnh 24,5% svck, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 24%, tương đương 129% so với mức trước đại dịch Covid, trong đó, lượng khách Trung Quốc tăng 57% svck.
Tính đến hết tháng 4, Việt Nam đã giải ngân 14,32% kế hoạch đầu tư công năm 2025, tương đương 128,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,34% svck. Đáng chú ý, tiến độ giải ngân trong tháng 4 cao hơn mức bình quân Q1/2025. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn chậm so với kế hoạch do quy mô ngân sách được mở rộng. Bộ Tài chính đã kêu gọi đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong Q2/2025, ghi nhận tín hiệu cải thiện từ cấp địa phương. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là mấu chốt quan trọng của tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam gặp nhiều thách thức từ thuế đối ứng. Trong 4T2025, tổng vốn FDI đăng ký đạt 13,8 tỷ USD, tăng mạnh 39,9% svck. Vốn FDI giải ngân đạt 6,74 tỷ USD (+7,3% svck), gần như không đổi so với mức bình quân trong Q1, phản ánh niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.
Lạm phát tổng thể gần như không thay đổi trong tháng 4, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ 0,07% so với tháng trước. Mức tăng này chủ yếu do giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,62% so với tháng trước, trong đó giá điện tăng 1% so với tháng trước. Tính bình quân 4T2025, CPI tăng 3,2% svck, vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu của Chính phủ, nhờ giá xăng dầu giảm. Lạm phát cơ bản ổn định ở mức 3,14% svck trong tháng 4, cho thấy áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục được kiểm soát trong thời gian tới.
Sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, VND đã giảm 1,7% so với USD so với tháng trước và khoảng 2% so với đầu năm, mặc dù chỉ số DXY đã giảm 8,5% từ đầu năm. Bên cạnh hoạt động chuyển lợi nhuận về nước của khối FDI trong tháng, những bất định xoay quanh quyết định cuối cùng về thuế quan đối với Việt Nam làm gia tăng lo ngại về triển vọng xuất khẩu và thu hút vốn FDI, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá. Thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ổn định và không phản ứng mạnh với cú sốc thuế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 22,2 nghìn tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) tính đến cuối tháng 4. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh về cuối tháng, xuống mức 2,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào.
Chỉ số VN-Index suy giảm động lực và giảm 6,2% trong tháng 4, đưa mức tăng từ đầu năm chuyển sang giảm 3,2%. Thị trường biến động mạnh sau thông tin về các biện pháp thuế đối ứng được công bố ngày 2/4, làm dấy lên lo ngại về gián đoạn thương mại toàn cầu. Đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dự kiến bắt đầu vào ngày 7/5, làm gia tăng lo ngại bất định trong tháng 4. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được đàm phán sớm với Hoa Kỳ. Giá trị giao dịch trung bình ngày tăng 17,6% lên 0,9 tỷ USD trong tháng 4. Đồng thời, khối ngoại gia tăng bán ròng với tổng giá trị 13,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 541 triệu USD). Đáng chú ý, khối ngoại chủ yếu bán ròng ở VHM (108 triệu USD) và MSN (27 triệu USD), trong khi gia tăng mua ròng ở MWG (57 triệu USD), PVS (26 triệu USD) và MBB (17 triệu USD).
Trong khi hầu hết các nhóm ngành ghi nhận diễn biến kém tích cực trong tháng 4, nhóm bất động sản là tâm điểm, chủ yếu nhờ vào diễn biến tích cực của VIC (+17,2%) và VHM (+13,8%). VHM ghi nhận kết quả kinh doanh Q1/2025 tích cực đóng góp đáng kể vào hiệu suất của ngành, đồng thời kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý cho thị trường bất động sản, một phần trong chương trình trọng tâm nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng trong nước.
Định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn, với hệ số P/E trượt 12 tháng của VNIndex giảm về mức 12,3 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là khoảng 17 lần. Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 5 bao gồm việc vận hành hệ thống KRX, cũng như kỳ họp Quốc hội kéo dài 2 tháng bắt đầu từ ngày 5/5, với nhiều nội dung quan trọng như sửa đổi Hiến pháp, các luật bao gồm luật về tổ chức tín dụng và luật theo hình thức đối tác công tư (PPP), v.v... Đồng thời, chúng tôi cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu.