Kinh tế tăng trưởng mạnh vượt kỳ vọng trong quý 2, nhờ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ
TÓM TẮT
- Tiền đồng tiếp tục chịu áp lực từ đồng USD mạnh lên và nhu cầu tăng cao đối với USD trong tháng sáu.
- Chỉ số VN-Index không thể duy trì đà tăng do (i) áp lực bán ra từ nhà đầu tư nước ngoài, (ii) căng thẳng tỷ giá, và (iii) lãi suất tiền gửi tăng ở một số ngân hàng.
Kinh tế tăng trưởng mạnh vượt kỳ vọng trong quý 2, nhờ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ. GDP tăng 6,9% svck trong quý 2 2024, nhờ mức tăng 8,3% của ngành công nghiệp và xây dựng và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 7,1%. Điều này giúp cho tăng trưởng GDP đạt mức 6,4% svck trong nửa đầu năm 2024, chỉ thấp hơn mức tăng 6,6% của sáu tháng đầu năm 2022 trong vòng 5 năm qua. Về mặt sử dụng GDP trong nửa đầu năm 2024, mức tăng trưởng cao của nền kinh tế được thúc đẩy bởi tích lũy tài sản (tăng 6,7% svck) và thặng dư thương mại (đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào tổng mức tăng trưởng chung). Nhìn chung, với những kết quả đạt được trong sáu tháng đầu năm, chúng tôi tin tưởng Chính phủ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,5% trong năm 2024.
Ngành công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng sáu, thể hiện qua số liệu tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp và chỉ số quản lý mua hàng PMI. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh 10,9% svck trong tháng sau, và chỉ số PMI đạt mức 54,7 điểm trong tháng 6, mức tăng cao nhất kể từ tháng mười một năm 2018. Sản lượng sản xuất tăng mạnh, ghi nhận mức 57 điểm, cùng với hoạt động mua hàng nhộn nhịp trở lại và tăng lên mức 54,2 điểm. Sự tăng tốc của ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục được củng cố bởi một loạt các chỉ số khác như sản xuất điện năng, tăng trưởng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, và chỉ số việc làm. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng đến cuối năm trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục hồi phục và nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ổn định
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,5% svck trong quý 2, tương đương mức tăng 6,8% trong nửa đầu năm nay, thúc đẩy bởi sự gia tăng của đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài. Đầu tư tư nhân tăng 7,9% svck, trong khi đầu tư nước ngoại ghi nhận mức tăng mạnh 11,4% trong quý 2. Cụ thể, đầu tư tư nhân hồi phục trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức tăng cải thiện, 4,5% so với cuối năm trước tính đến 24 tháng 6 năm 2024, cải thiện so với mức 3,8% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giải ngân đầu tư FDI ghi nhận mức kỷ lục 10,8 tỷ USD trong nửa đầu năm, và tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm tiếp tục tăng mạnh 43% svck lên 13,5 tỷ USD. Vốn FDI tiếp tục tập trung ở một số lĩnh vực chủ yếu như sản xuất công nghiệp và bất động sản. Giải ngân đầu tư công vẫn tăng thấp, chỉ tăng 2,5% svck trong quý 2, thấp hơn mức 5,0% trong quý 1 năm nay. Mặc dù vậy, chúng tôi kỳ vọng giải ngân đầu tư công có thể tăng tốc trong nửa cuối năm nay dựa trên quyết tâm của Chính phủ.
Lạm phát duy trì ổn định trong tháng sáu, và áp lực lạm phát chủ yếu đến từ giá lương thực và thực phẩm cũng như yếu tố mùa vụ. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ 0,17% svtt, tương đương 4,34% svck trong tháng sáu và ghi nhận mức tăng trung bình 4,08% svck trong nửa đầu năm. Giá lương thực và thực phẩm tăng 0,75% svtt, chủ yếu do giá thịt lợn tăng 3,8%. Trong khi đó, nhu cầu du lịch tăng cao do kỳ nghỉ mùa hè làm giá nhóm văn hóa, thể thao, và giải trí tăng 0,68% svtt trong tháng sáu. Lạm phát cơ bản tiếp tục giảm nhẹ xuống mức 2,6% svck, củng cố khả năng Chính phủ có thể đạt được mục tiêu giữ lạm phát cả năm ở mức 4,0 – 4,5% svck trong năm nay.
Tiền đồng tiếp tục chịu áp lực từ đồng USD mạnh lên và nhu cầu tăng cao đối với USD trong tháng sáu. Nhập khẩu tiếp tục duy trì mức tăng hai chữ số, tương đương 14% svck trong tháng sáu, trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán, xấp xỉ 650 triệu USD trong tháng sáu và gần 2 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm. Bên cạnh đó, dữ liệu cán cân thanh toán trong quý 1 cũng cho thấy dòng tiền rút Việt Nam với cán cân tổng thể âm 1,4 tỷ USD và khoản mục lỗi và sai sót ghi nhận mức âm 8 tỷ USD.
Tỷ giá tiếp tục tăng cao lên mức 26.000 VNĐ/USD trên thị trường tự do, cao hơn 2,2% so với tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng, và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hỗ trợ thị trường thông qua việc tăng lãi suất tín phiếu lên 4,5% và bán USD ra thị trường. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng dần hồi phục và tỷ giá tiếp tục căng thẳng, các ngân hàng tăng lãi suất huy động trung bình 10 điểm cơ bản trong tháng sáu. Với nhu cầu tín dụng được kỳ vọng tăng cao về cuối năm và tăng trưởng huy động đang chậm hơn tăng trưởng tín dụng, lãi suất có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chỉ số VN-Index không thể duy trì đà tăng, và giảm 1,3% so với tháng trước trong tháng sáu do (i) áp lực bán ra từ nhà đầu tư nước ngoài, (ii) căng thẳng tỷ giá, và (iii) lãi suất tiền gửi tăng ở một số ngân hàng. Khối ngoại tiếp tục đà bán ròng khỏi thị trường với giá trị bán ròng khoảng 650 triệu USD trong tháng sáu, một phần đến từ hoạt động chốt lời. Họ chủ yếu bán ròng các cổ phiếu FPT, VHM, MWG, VRE và HPG. Các nhà đầu tư trong nước tiếp tục hỗ trợ và là lực đỡ chủ yếu cho thị trường. Giá trị giao dịch trung bình giữ ở mức 0,9 tỷ USD một phiên, mặc dù vậy, giá trị giao dịch suy yếu dần về cuối tháng khi tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước áp lực tỷ giá và lãi suất tăng. Trong tháng sáu, hầu hết các ngành đều ghi nhận mức giảm, ngoại trừ ngành công nghệ thông tin có mức tăng trưởng cao 9,6% nhờ cổ phiếu FPT (+12,3%).
Thị trường đã có đợt điều chỉnh nhỏ và chỉ số VN-Index đang được giao dịch ở mức định giá tương đối hấp dẫn. Chỉ số P/E giảm xuống 15,4 lần, thấp hơn mức trung bình ba năm là 16,3 lần. Với tăng trưởng kinh tế cao hơn kỳ vọng, thị trường được dự báo có thể hồi phục và duy trì mức tăng trong những tháng tới. Thị trường có thể tập trung ở các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 tốt cùng triển vọng tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay. Nhìn chung, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán về cuối năm, hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.