Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng thị trường dựa trên sự cải thiện của hoạt động kinh tế và ước tính lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng cao trong nửa cuối năm.
TÓM TẮT
- Ngành sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trong tháng tám và các nhà sản xuất bắt đầu tăng cường hoạt động mua hàng.
- Chỉ số giá không đổi so với tháng trước phần lớn nhờ giá nhóm ngành giao thông vận tải suy giảm.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong tháng 8. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2% so với tháng trước (svtt) và 9,5% so với cùng kỳ (svck) trong tháng tám. Số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao 4,5% svck. Trong khi đó, chỉ số PMI ghi nhận mức tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp và kết thúc tháng tám ở mức 52,4 điểm. Các nhà sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất nhờ số lượng đơn hàng mới tăng lên khi mà nhu cầu từ khách hàng tiếp tục cải thiện. Họ cũng tăng cường hoạt động mua hàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao. Chỉ số mua hàng ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ tháng năm 2022, điều này cho thấy sản xuất công nghiệp có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm. Ngược lại, tốc độ tăng chi phí đầu vào và giá bán đã chậm lại, chủ yếu nhờ chi phí vận chuyển giảm. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực lạm phát trong những tháng tới, hỗ trợ Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát.
Tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm và chưa có sự cải thiện đáng kể. Đầu tư công tăng nhẹ 1,3% svck trong tháng 8, tương đương 2,0% svck trong tám tháng đầu năm, và chỉ đạt 48% kế hoạch cả năm. Ở chiều ngược lại, đầu tư từ khối ngoại duy trì mức tăng mạnh khi giải ngân vốn FDI tăng 8,0% svck lên mức 14,2 tỷ USD trong tám tháng đầu năm. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm tăng 7,0% svck, chạm ngưỡng 20,5 tỷ đô, cũng là mức cao nhất trong năm năm trở lại đây. Đối với đầu tư từ khối tư nhân, tăng trưởng tín dụng ước tính ở mức 6,6% so với cuối năm ngoái, tính đến ngày 26/08, cải thiện so với mức 5,6% trong năm 2023. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 15 – 16%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép bổ sung hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Nhìn chung, tổng vốn đầu tư toàn xã hội được kỳ vọng sẽ tăng tốc hơn trong những tháng cuối năm, dẫn dắt bởi tăng giải ngân đầu tư công và tăng trưởng tín dụng.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng tám không đổi so với tháng trước, chủ yếu nhờ nhóm giao thông giảm. Lạm phát ghi nhận mức 0% svtt và 3,46% svck trong tháng tám, giảm đáng kể từ mức 4,37% trong tháng bảy. Bình quân tám tháng, chỉ số CPI tăng 4,04% svck, nằm trong mục tiêu của Chính phủ đề ra là 4,0 – 4,5% cho cả năm 2024. Áp lực lạm phát giảm trong tháng tám phần lớn đến từ mức giảm 5,8% giá xăng trong nước, giúp nhóm giao thông giảm 1,98% svtt và làm giảm CPI chung 0,19%. Với những diễn biến hiện tại, Chính phủ được kỳ vọng có thể kiểm soát thành công lạm phát trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh chi phí đầu vào và giá bán của các nhà sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng này.
Thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định trong tháng tám chủ yếu nhờ đồng USD yếu đi. Tiền Đồng tiếp tục tăng giá so với đồng USD, tương tự với diễn biến của các đồng tiền khác trong khu vực. Tỷ giá USD/VNĐ giảm xấp xỉ 1,5% so với tháng trước xuống mức 25.050 VNĐ/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng giảm mạnh xuống mức 25.200 VNĐ/USD, từ đó thu hẹp chênh lệch tỷ giá thị trường tự do và liên ngân hàng xuống mức thấp chỉ còn 0,6%. Với sự ổn định trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã có thể cắt giảm lãi suất OMO xuống mức 4,25% và lãi suất tín phiếu còn 4,15%. Nhìn chung, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với tỷ giá từ đây đến cuối năm dự trên (i) sự yếu đi của đồng USD, (ii) nguồn USD dồi dào, và (iii) chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD tiếp tục thu hẹp.
Thị trường tiếp tục tăng điểm trong tháng tám, dẫn dắt bởi các thông tin tích cực như (i) nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng hạng thị trường (xử lý vấn đề ký quỹ trước giao dịch), (ii) khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng chín, và (iii) Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room tín dụng ở một số ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực bán tăng dần khi chỉ số VN-Index về ngưỡng kháng cự 1.280 – 1.300 điểm, và thị trường kết thúc tháng tám ở mức 1.283,9 điểm, tương đương mức tăng 2,6% so với tháng trước. Mặc dù thị trường đã hồi phục trở lại, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa cải thiện như kỳ vọng khi giá trị giao dịch bình quân vẫn duy trì ở mức thấp, khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại vẫn duy trì vị thế bán ròng với giá trị bán ròng ở mức 145 triệu USD trong tháng tám, tương đương 2,56 tỷ USD trong tám tháng đầu năm.
Hầu hết các ngành đều ghi nhận mức tăng khả quan trong tháng tám, trong đó, ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, bất động sản, và công nghệ thông tin có mức tăng trưởng cao nhất. Sự hồi phục trở lại của ngành bất động sản phần lớn được dẫn dắt bởi Vingroup và các công ty liên quan nhờ một loạt các tin tức tích cực như ra mắt dự án Vinhomes Cổ Loa và kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ của Vinhomes.
Hiện tại, chỉ số VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E 15,4 lần, về gần mức trung bình trong 3 năm là 16,3 lần. Do đó, áp lực bán và hoạt động chốt lời có thể tăng dần trong ngắn hạn, đặc biệt khi chỉ số VN-Index đang về ngưỡng kháng cự 1.280 – 1.300. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường từ đây đến cuối năm, dựa trên (i) khả năng Fed giảm lãi suất trong tháng chín, (ii) tăng trưởng kinh tế, và (iii) lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự phóng tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay.