Tin tức và Nhận định

Tin tức mới nhất về hoạt động công ty, và các chuyển biến đối với quỹ đầu tư do SSIAM quản lý.
Báo cáo cập nhật thị trường 11.2024

Lĩnh vực sản xuất nhanh chóng hồi phục trong tháng 10 sau khi chịu ảnh hưởng tạm thời từ bão Yagi trong tháng 9

TÓM TẮT

•  Lĩnh vực sản xuất nhanh chóng hồi phục trong tháng 10 sau khi chịu ảnh hưởng tạm thời từ bão Yagi trong tháng 9. Trong khi đó, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân vẫn chậm và chưa có dấu hiệu khởi sắc.
•  Chỉ số VN-Index điều chỉnh trong tháng 10 trước một số quan ngại của nhà đầu tư, bao gồm (i) áp lực tỷ giá tăng cao dấy lên lo sợ về khả năng liệu Ngân hàng nhà nước có thể tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp hay không, (ii) kết quả kinh doanh Q3/24 của các doanh nghiệp niêm yết chưa được tốt như kỳ vọng, (iii) tâm lý thận trọng và chờ đợi của nhiều nhà đầu tư trước hai sự kiện lớn bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc họp FED vào đầu tháng 11.
•  Mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam có thêm phần bất định với chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chúng tôi giữ quan điểm tích cực với thị trường cổ phiếu trong vòng 6-12 tháng tới, nhờ các yếu tố (i) FED tiếp tục cắt giảm lãi suất, (ii) kinh tế Việt Nam và lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục hồi phục mạnh mẽ hơn, (iii) khả năng thị trường sẽ được FTSE nâng hạng vào 2025.
 

Lĩnh vực sản xuất lấy lại đà tăng trưởng tích cực trong tháng 10. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,0% so với tháng trước (svtt) và 7,0% so với cùng kỳ (svck). Số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao 5,7% svck. Hoạt động thương mại, vốn gắn liền với lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng ổn định trong tháng 10 ở mức hai chữ số với giá trị xuất khẩu tăng 10,1% svck và giá trị nhập khẩu tăng 14,6% svck. Thặng dư thương mại đạt 2,0 tỷ USD trong tháng 10 và 23,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Trong khi đó, chỉ số PMI quay trở lại vùng tăng trưởng đạt 51,2 sau khi giảm mạnh trong tháng 9 do ảnh hưởng của bão Yagi. Cả chỉ số sản lượng (52,1) và chỉ số đơn hàng mới (52,7) ghi nhận tăng trưởng mặc dù tốc độ tăng trưởng không được cao như những tháng trước bão. Theo báo cáo PMI, một số doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động hết công suất do vẫn còn chịu ảnh hưởng sau bão, cho thấy tiềm năng hoạt động sản xuất sẽ được mở rộng hơn nữa trong những tháng tới.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 10, với vốn đầu tư FDI thực hiện trong mười tháng đầu năm tăng trưởng 8,8% svck đạt 19,6 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Vốn FDI đăng ký tăng trưởng 1,9% svck đạt 27,3 tỷ USD. Lĩnh vực chế biến & chế tạo chiếm phần lớn tổng vốn FDI đăng ký ở mức gần 63%, cho thấy rõ Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các tập đoàn đa quốc gia đặt cở sở sản xuất. Trái ngược với dòng vốn FDI, dòng vốn đầu tư công vẫn chậm và chưa cải thiện đáng kể. Giải ngân đầu tư công trong 10 tháng đầu năm tăng 1,8% svck lên 496 nghìn tỷ đồng và chỉ đạt 64,3% kế hoạch cả năm của chính phủ.

Tiêu dùng vẫn tăng trưởng chậm trong tháng 10, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,1% svck trong tháng 10, giảm so với mức tăng 7,6% trong tháng 9. Tính trong 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ tăng 8,5% svck, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trước COVID ở khoảng 10-12%. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ghi nhận sự tích cực với số khách quốc tế hồi phục mạnh trong tháng 10 tăng 13,0% svtt và 27,6% svck. Tính tới hết tháng 10, số khách quốc tế đạt hơn 14,1 triệu, tăng mạnh 41,3% svck nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch COVID vào năm 2019.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,33% trong tháng 10 so với tháng trước, chủ yếu do giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55% svtt và giá nhóm giao thông tăng 0,66% svtt. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ, CPI chỉ tăng 2,89% trong tháng 10, tăng nhẹ so với mức tăng 2,63% svck trong tháng 9. Trung bình 10 tháng đầu năm, lạm phát đạt mức 3,78% svck, vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,0 – 4,5% svck.

Tháng 10 ghi nhận nhiều biến động trên thị trường ngoại hối khi đồng USD đã tăng mạnh trong khoảng thời gian ngắn với chỉ số DXY tăng 3,2% svtt. Dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến ở Mỹ dẫn tới việc thị trường thay đổi kỳ vọng theo chiều hướng FED sẽ giảm lãi suất chậm hơn. Kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ đầu tháng 11 cũng góp phần vào sự tăng giá của đồng USD trong tháng 10. Đồng USD tăng mạnh tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD/VNĐ, tăng 2,9% svtt. Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã quay trở lại phát hành tín phiếu nhằm nâng lãi suất liên ngân hàng tiền đồng, đồng thời phát đi thông điệp sẵn sàng can thiệp hơn nữa thông qua việc bán dự trữ ngoại hối. Mặc dù tháng 10 ghi nhận biến động khá tiêu cực, chúng tôi vẫn kỳ vọng tình hình tỷ giá sẽ dần được cải thiện trong những tháng tới khi FED có thêm các đợt cắt giảm lãi suất trong khi các dòng vốn FDI, hoạt động thương mại, và kiều hối vẫn ổn định.

Thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh nhẹ trong tháng 10, với chỉ số VN-Index giảm 1,8% về mức 1.264. Diễn biến ảm đạm của thị trường đến từ (i) áp lực tỷ giá làm dấy lên quan ngại về khả năng NHNN có thể duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ, (ii) kết quả kinh doanh quý 3 chưa thực sự khởi sắc, và (iii) phần lớn nhà đầu tư mang tâm lý thận trọng và chờ đợi trước hai sự kiện lớn là kỳ bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc họp của FED vào đầu tháng 11. Nếu không tính đến khoản thoái 10% vốn ở VIB của Commonwealth Bank of Australia và 5% vốn ở MSN của SK Group, khối ngoại đã bán ròng hơn 170 triệu USD trong tháng 10. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt gần 710 triệu USD.

Từ góc độ ngành, các nhóm cổ phiếu Tiêu dùng, Tiện ích, và Năng lượng tiếp tục đà giảm từ tháng 9. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu Tài chính, Công nghiệp, và Công nghệ thông tin ghi nhận diễn biến tích cực hơn so với mặt bằng chung thị trường. Nhóm cổ phiếu Tài chính, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index ở mức 45%, ghi nhận diễn biến trái chiều giữa các cổ phiếu blue chip ngân hàng với VCB, VPB, và STB tăng giá trong khi BID, CTG, và MBB lại giảm giá. Ở nhóm tiêu dùng, các cái tên quen thuộc như MWG, VNM, và SAB đều giảm khi các doanh nghiệp này công bố tăng trưởng lợi nhuận kém tích cực trong quý 3.

Hiện tại, chỉ số VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E 14,8 lần, vẫn thấp hơn mức trung bình trong 4 năm là 17,3 lần. Mặc dù chỉ số VN-Index đã không thể vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 như kỳ vọng trong tháng 10, chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng tới. Tăng trưởng lợi nhuận tăng tốc trong 2025, tình hình vĩ mô cải thiện nhờ FED giảm lãi suất, và khả năng FTSE nâng hạng thị trường sẽ là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho VN-Index.

Admin

Admin

Ngày công bố:

15/11/2024

LIÊN HỆ NGAY

Hãy để chúng tôi phục vụ bạn